chi tiết tin tức

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật Bảo vệ môi trường
Ngày 23/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (UNEP) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật Bảo vệ môi trường”. Tham dự có đại diện các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và một số đại biểu quốc tế quan tâm đến vấn đề này.

hoi thao

Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/11, tại Hà Nội

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến nêu rõ: Sau gần 7 năm đưa vào triển khai áp dụng, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã góp phần quan trọng bảo vệ, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng; tạo ra những định hướng ban đầu cho việc kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Tuy vậy, Luật Bảo vệ môi trường 2005 cũng đã bộc lộ những điểm còn bất cập. Để khắc phục, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20/2011 thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, trong đó có xây dựng Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 207, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào Quý II năm 2013.

Trong khuôn khổ hợp tác với UNEP, Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi kinh nghiệm về việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường qua các giai đoạn, đồng thời học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo đó, các chuyên gia trong và ngoài nước đã trình bày ý kiến tham luận về những vấn đề trọng tâm của Luật Bảo vệ môi trường 1993 và 2005. Cụ thể như sự khác nhau và những bài học kinh nghiệm của Luật 1993 và Luật 2005; những vấn đề cơ bản của Luật 2005; nhận xét về khung Luật Bảo vệ môi trường 1993 và Luật bảo vệ môi trường 2005; kinh nghiệm quốc tế về những đổi mới trong xây dựng pháp luật môi trường quốc gia; kiến nghị một số nội dung mới trong Luật Bảo vệ môi trường; việc phân chia và phối kết hợp các nội dung bảo vệ môi trường trong xây dựng Luật Bảo vệ môi trường...

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường lần này cần nghiêm túc xem xét lại toàn bộ vấn đề “phế liệu” liên quan đến “chất thải”. Triệt để tránh việc lập lờ trong khái niệm, phức tạp trong quy định quản lý, cho phép sử dụng quá nhiều văn bản dưới Luật... cốt để nhập khẩu được “phế liệu”, làm cho môi trường và cộng đồng phải gánh chịu những tác động xấu không đáng có.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thế Mạnh khuyến nghị xây dựng Luật mới theo 1 trong 2 phương án sau: Phương án 1 chỉ nên là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều. Bởi Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã khá toàn diện, có thể nói là tiên tiến. Phương án 2 nên dựa vào Luật 2005 và các Nghị định hiện có để xây dựng Luật mới cho chi tiết hơn, dễ thực hiện hơn và giảm tối đa các văn bản dưới Luật. Về cấu trúc, nên có thêm điều khoản về hồi tố (Luật 1993 có điều này). Chương Thanh tra môi trường nên tách riêng và nêu kỹ về Cảnh sát môi trường; đồng thời đưa vào Luật này các quy định về tội phạm môi trường.

Theo Chuyên gia UNEP Wanhua Yang: Luật Môi trường của nhiều nước trên thế giới về mặt pháp chế đã được cải thiện. Đó là chuyển từ các phương pháp tiếp cận truyền thống sang tiếp cận tổng thể; chuyển sang hướng huy động hành động của cộng đồng - đề cao trách nhiệm của nhiều bên (khu vực công và tư, người tiêu dùng/công dân). Mặt khác chuyển nguồn tài trợ cho công nghệ thân thiện với môi trường và các dự án đầu tư xanh, bằng các phương pháp khuyến khích hoặc xóa bỏ các rào cản. Cụ thể hóa các biện pháp chính sách khác nhằm đẩy nhanh quá trình cấp giấy phép tổng thể, mua sắm xanh, công bố thông tin; đồng thời thiết lập hình phạt đối với các trường hợp vi phạm và các hệ thống khen thưởng.

Chuyên gia Wanhua Yang nhấn mạnh: Luật Môi trường ở một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... có nhiều cơ chế và sáng kiến tốt có thể áp dụng được ở Việt Nam và các nước khác. Song không có giải pháp chung cho mọi tình huống. Pháp chế hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào hiện trạng kinh tế và hệ thống luật pháp của mỗi quốc gia. Luật không phải là mục tiêu cuối cùng, mà việc thực hiện và tuân thủ luật pháp của các bên mới là điều quan trọng.

Ban Tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật Bảo vệ môi trường” ghi nhận, những ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo này sẽ giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá chính xác, công bằng hơn những mặt được và chưa được của Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 và 2005 trong thời gian qua, để từ đó xây dựng dự thảo Luật Môi trường (sửa đổi) một cách hiệu quả, sát với yêu cầu thực tế đời sống và phát triển kinh tế-xã hội.

 
Nguồn tin: TTXVN
 

Các Tin khác

FaceBook Chát